/data/file/BN/BN.png

Với lối sống "hiện đại" trong giới sinh viên hiện nay, có một số lượng không nhỏ đã tự nguyện "góp gạo thổi cơm chung" với nhau theo kiểu "vợ chồng"...

(www.cand.com.vn 14/03/2009 )

Nghe những cô cậu học trò lớp 10, 11 bây giờ nói chuyện, tôi không khỏi choáng váng với quan niệm "Yêu là phải hết mình". Còn riêng với sinh viên, những người sống xa nhà, rời xa sự quản lý của gia đình, họ lại có cách nghĩ khác, họ cho mình là người lớn và đủ trách nhiệm để quyết định mọi việc.

Để tìm hiểu kỹ, chúng tôi đã đến các dãy nhà trọ của sinh viên ở TP Đà Nẵng, nơi có rất nhiều cặp sinh viên nam nữ đang "góp gạo thổi cơm chung". Cảm nhận đầu tiên là họ rất tự nhiên, không ngại ngùng, không xấu hổ, họ xem việc đó như là một điều hiển nhiên, một việc làm mà nó... vốn thế.

Tôi hỏi một cô gái tên H.: "Bạn có thấy khó xử với bạn bè cùng lớp khi mà mọi người biết bạn sống chung với người yêu không?", cô cười thật tươi và trả lời rất thành thực: "Trước thì em cũng thấy xấu hổ với bạn bè nhưng dần em biết rất nhiều bạn trong lớp cũng sống như mình nên em thấy việc đó là bình thường, không ở chung với người yêu thì mới xấu hổ hơn đấy chị ạ. Chị tính, về đến xóm trọ thấy phòng nào cũng... "đóng cửa", chỉ có mình hơ hớ ra đó, những người khác lại nghĩ mình có “vấn đề” nên em quyết định sống chung".

Việc sống chung giữa hai người đâu phải lúc nào cũng tốt đẹp, mà nếu tốt đẹp thì tôi cũng không đề cập trong bài viết này. Tôi đến phòng của N., lúc vừa bước vào đến cổng đã thấy trong phòng có tiếng cự cãi. Hỏi ra mới biết N. với người yêu đang đánh nhau.

Những bạn hàng xóm cho biết chuyện hai người cãi vã và đánh nhau diễn ra thường xuyên như cơm bữa, có hôm N. thâm tím mặt mày vì bị người yêu đánh, anh ta ghen N. có mối quan hệ với người khác...

Cũng ở một trường đại học tại Đà Nẵng, chàng sinh viên C. là cán bộ lớp năng động, có rất nhiều người vây quanh, nhưng nữ sinh T. vẫn quyết định yêu và sống chung với C. Thời gian đầu họ cũng vui vẻ "hạnh phúc", nhưng càng về sau thì họ thường xuyên cãi vã, xô xát, và đoạn kết là đường ai nấy đi. Thế là chấm hết những ngày "góp gạo thổi cơm chung" giữa hai người.

Từ đó T. lao vào những cuộc tình mới, cô như con thiêu thân chung sống hết với người này sang người khác, bất chấp người đó xuất thân thế nào, mới quen hay là quen lâu, miễn bạn trai muốn sống chung là cô chấp nhận. T. trượt dài qua những mối tình như để trả thù C.

Khi chúng tôi hỏi không sợ dư luận thì cô bùi ngùi: "Chị biết không, em giờ như đôi giày bị ướt, giày bị ướt rồi thì ướt ít, ướt nhiều đều coi là giày ướt, cho nên em cho ướt luôn không cần phải giữ gìn...". Có lẽ, đó cũng là quan niệm của rất nhiều cô gái đã từng sống chung khi bị người tình phụ bạc.

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về các bạn nam họ nghĩ gì về việc sống chung thì rất nhiều bạn trai rất thực dụng: "Có người giặt giũ quần áo, nấu cơm và còn có thể thỏa mãn... nhu cầu cá nhân nữa thì dại gì mà không sống chung". Nhưng khi chúng tôi làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ với một số bạn trai đang "góp gạo thổi cơm chung" với bạn gái: Các bạn sống chung như vậy ra trường có cưới nhau không thì đa phần được trả lời là... không.

Họ đưa ra 1001 lý do, rằng hai người hai quê không thể xin được việc gần nhau. Có người lấy lý do bố mẹ không đồng ý, một số thì không giấu giếm: "Vợ của em phải là người có phẩm hạnh, chứ không thể sống buông thả như thế này. Biết đâu được cô ta dễ dàng sống chung với em thì cũng có thể sống với người khác khi em vắng mặt"...

Họ đã "góp gạo thổi cơm chung" thì chuyện "giường chiếu" là không thể tránh khỏi. M. là sinh viên năm thứ 3, vào học năm thứ nhất M. quen với một sinh viên nam. Hai người quyết định ở chung với nhau. Chuyện không may là M. có thai và đành chấp nhận vừa nuôi con vừa đi học.

Còn chuyện của K. thì lại khác, K. khá xinh đẹp nên mới vào năm thứ nhất K. đã yêu một anh chàng sinh viên cùng quê, họ sống chung với nhau và không biết bao nhiêu lần K. phải đi phá thai. Bây giờ, nhìn K tàn tạ đi rất nhiều, người thì xanh xao gầy gò.

Mấy tháng trước, tôi và mấy đứa nhỏ con nhà hàng xóm đi thả diều ở trên một con đường ra vịnh biển Đà Nẵng và phát hiện một hộp các-tông. Chúng tôi nghe trong hộp có tiếng động bèn mở ra xem thì thật bất ngờ... trong đó có một bé trai được quấn quanh một tấm áo. Đứa bé không khóc được nữa vì nó đã kiệt sức. Xung quanh mắt của nó đã có kiến đỏ bu đầy...

Chúng tôi cùng những người dân vội vàng đưa cháu bé nọ vào bệnh viện và đã cứu được mạng sống cho cháu. Sau đó, cháu được một người tốt bụng nhận về nuôi... Đấy là chuyện tất yếu của những cặp nam nữ sinh viên "góp gạo thổi cơm chung" mà không hề có một chút trách nhiệm với bản thân và với người khác.

Hậu quả của việc sống buông thả không chỉ ở trước mắt mà nó còn ảnh hưởng lâu dài đến công danh sự nghiệp, sức khỏe và cả hạnh phúc gia đình. Thiết nghĩ tương lai của những sinh viên, học sinh còn rất dài ở phía trước, hứa hẹn biết bao thành công trong công việc và hạnh phúc gia đình, do đó không nên lao vào sống thử, sống gấp như những con thiêu thân để rồi chuốc lấy những hậu quả, lụy phiền...


Quỳnh Nga

Số lần xem trang: 2129
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : hai bảy ba năm

Xem trả lời của bạn !