/data/file/BN/BN.png
"Chấm dứt "sống thử" cũng đồng nghĩa với việc em chia tay tình yêu đầu. Người yêu em giờ lại "sống thử" với một bạn gái khác, còn em thì vẫn đau với quyết định dại dột của mình", một nữ sinh tâm sự.

Không có tiêu chuẩn để ở trong ký túc xá (KTX), nơi chỉ ưu tiên cho con em gia đình chính sách nên suốt 4 năm học đại học, tôi đã sống ở nhiều xóm trọ trên địa bàn Hà Nội. Sau 2 năm ra trường, tôi vẫn tiếp tục đời "ở trọ". Vì thế, tôi vô tình chứng kiến những cung bậc trong đời sống của các cặp sinh viên "sống thử".

Với kinh nghiệm của mình, tôi dám khẳng định rằng, xóm trọ nào cũng có các cặp sinh viên "sống thử". Và tôi cũng tin chắc rằng, chỉ cần nhìn vào dây quần áo phơi phía trước, tôi sẽ chỉ ra phòng trọ nào là của "vợ chồng sinh viên". Cũng bởi là hàng xóm của các cặp đôi này nên tôi chẳng lạ gì "thời tiết" của từng nhà. Có đôi, sáng "nắng", chiều bỗng "dông bão". Nhưng cũng có cặp, lúc nào cũng như đôi chim bồ câu.

Cái cảnh sáng ra, cô "vợ" đi chợ về nấu nướng, giặt giũ rồi gọi "chồng" dậy ăn uống. Trưa đến, cả hai đèo nhau đến trường. Chiều về lại cơm nước, tắm rửa. Tối sang hàng xóm buôn chuyện hoặc "đóng cửa bảo nhau"... Đó là cái vòng tuần hoàn trong ngày của những cặp đôi đang ở thời kỳ hạnh phúc.

Còn có đặc điểm chung của các cặp "sống thử"... trơ. Với chủ nhà trọ, họ chả ngại ngần chút nào đã đành. Với hàng xóm và cũng là sinh viên cùng trường, có khi cùng lớp, họ cũng... mặc kệ. Không sợ dư luận, không sợ điều tiếng và gia đình có phát hiện cũng công khai luôn, đó là "cá tính" của những cặp sinh viên "sống thử" hiện nay.

Một dãy nhà trọ là "tổ ấm" của hai cặp sinh viên "sống thử".

Ở một xóm trọ trong làng Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì có một cặp "sống thử" nhưng trên pháp luật, họ đã là vợ chồng thật. Cơ sự bắt đầu từ việc, P.T.H., 26 tuổi, quê ở Hà Tây (cũ) đến nhập cư vào xóm trọ. Lúc này, cô đang là nhân viên bán hàng quần áo. Tại đây, cô quen với N.Đ.T., sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học GTVT. Những lần "chạm trán" ở bể nước, lối đi chung dần dần khiến họ có cảm tình và yêu lúc nào không hay.

Ban đầu, họ chỉ góp gạo, thổi cơm chung. Sau đó không lâu thì góp luôn chăn màn để... ngủ chung. Cuộc sống đang êm ấm thì bố mẹ T. phát hiện, lập tức ngăn cản. Lý do bố mẹ T. không chấp nhận vì không "môn đăng hộ đối". Con trai họ có trình độ... sinh viên, còn H. chỉ mới học hết lớp 12.

Để cho bõ tức, H. ôn thi và đậu vào một trường cao đẳng ở Hà Nội. Nhờ cái mác sinh viên, H. ngẩng cao đầu mỗi khi mẹ người yêu lên thăm. Thế nhưng "được voi, đòi tiên", phụ huynh này lại chê H. "thấp bé, nhẹ cân". Thấy người yêu khóc lóc, T. quyết định đi đăng ký kết hôn để chứng minh tình yêu của mình và cũng để, bố mẹ khỏi ngăn cản. Nay thì, T. - H. đã là một đôi vợ chồng đích thực.

Thế nhưng, rạn nứt lại bắt đầu từ cái ngày họ có giấy đăng ký kết hôn. Bố mẹ T. vì cậu con trai dám cả gan làm việc tày trời đã cắt viện trợ. Số tiền bố mẹ H. cho mỗi tháng không thể đủ chi dùng cho hai người. Thiếu tiền, lửa tình cũng nhạt dần. H. ngoài giờ đi học phải đi bán hàng thuê. Còn T., cũng lo kiếm chân sai vặt ở một công ty chuyển phát nhanh.

Vừa học, vừa làm khiến cả hai không có thời gian nghỉ ngơi. Sự quan tâm đến nhau cũng ít dần, thế là nhạt. "Bây giờ muốn bỏ lại phải ra toà", T. ngao ngán nói về cái quyết định "ngu nhất thời" của mình. Và rồi, cái hệ lụy của cuộc hôn nhân thời kỳ sinh viên sẽ còn đeo đẳng sau khi cả hai người đã tốt nghiệp. Nếu đường ai nấy đi thì cái lý lịch đã từng kết hôn lần 1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng hạnh phúc sau này của mỗi người.

Tại một khu trọ 14 phòng cùng làng Yên Xá còn có cặp "sống thử" khác. M.T.L., 22 tuổi, quê ở Hà Giang sống cùng với L.T.Q., quê ở Nam Định. Họ đến với nhau từ sự tình cờ trong một buổi tiệc sinh nhật và sống cùng nhau vì Q. không tìm được nhà trọ.

Căn phòng trọ 7m2 của L. thuê với giá 700.000đ nay được Q. "gánh" cùng. Số tiền bố mẹ gửi lên, Q. giao cho L. một nửa để lo cái ăn. Nửa còn lại để mua sách vở và... đối ngoại.

Vốn đảm đang nên L. thu xếp cuộc sống khá ổn. L. từng bảo với tôi, "sống thử" tiết kiệm được đủ thứ: tiền ăn, tiền tiêu, tiền trọ và cả tiền điện. Mới đây, L lại bảo, "sống thử" khiến cô thấy bị tù túng. Đi sinh nhật bạn cũng phải xin phép, đi học thêm cũng xin phép... Muốn tặng bạn món quà có giá trị một tí lại phải xin tiền Q.

Dần dà, L. nhận ra, cuộc sống "vợ chồng" làm cô thấy mất nhiều thứ. Lẽ ra, L. đang được thoải mái vui chơi cùng đám bạn, tự do thực hiện những ước mơ của mình thì lại bị bó buộc vào chuyện "chồng con". Học hành thì chểnh mảng nên học kỳ gần đây, L. bị rớt học bổng. Giờ muốn chia tay, L. chưa biết nói thế nào để Q. đồng ý.

Sinh viên trường Y vốn được coi là thoáng trong... chuyện ấy bởi đặc tính nghề nghiệp mà họ đang học. Cũng bởi liên quan đến nghề nghiệp nên sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đã từng tổ chức cuộc hội thảo "Sinh viên với kiến thức, kỹ năng sống và sức khỏe sinh sản".

Tại cuộc hội thảo này, có đại diện một số trường đại học, các nhà giáo, nhà xã hội học. Con số 70,29% câu trả lời "có" đối với sinh viên nam và 61% đối với sinh viên nữ khi được hỏi, có muốn "sống thử" không đưa ra trong cuộc hội thảo này cho thấy nhiều sinh viên có quan niệm khá thoáng về việc này.

Thế nhưng, từ cuộc hội thảo này, Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học lại cho rằng, vẫn còn một tỷ lệ lớn sinh viên Y khoa không đồng ý với "sống thử". Điều đó cho thấy không phải tất cả mọi sinh viên đều "cởi mở" với vấn đề này.

Để có cái nhìn đa dạng hơn về "sống thử", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, nhà quản lý giáo dục và cả người trong cuộc. Sau đây là ý kiến của họ:

PGS, TS Văn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Tâm lý, giáo dục Ngàn Phố: Một phần do tâm lý lứa tuổi

Đây là một phần do nhu cầu tâm sinh lý lứa tuổi và ảnh hưởng của thời đại. Hơn nữa, đa phần các cặp "sống thử" đều từ nông thôn lên thành phố đi học. Thiếu sự quản lý của gia đình, kiểm soát của nhà trường, học đòi theo lối sống "Tây hóa" qua các cổng thông tin hiện đại.

PGS.TS Văn Thị Kim Cúc.

Khó có thể cấm được các bạn trẻ "sống thử" nhưng cần khuyến cáo. Không nên để bạn trẻ lãng phí quá nhiều thời gian cho chuyện tình cảm. Đối với sinh viên ở KTX, nhà trường có thể quản lý bằng những nội quy, quy định để hạn chế cảnh sống "chung đụng".

Những trường hợp bạn trẻ "sống thử" dù có sự hợp thức hóa của gia đình bằng lễ ăn hỏi hay chính thức về luật pháp để ép buộc người lớn chấp nhận đều không nên làm. Vì tự nó đã biến thành "điều kiện" của tình yêu, làm cái cớ ngụy biện cho việc làm của mình.

Ở cương vị của người làm cha mẹ, không ai chấp nhận được chuyện con mình "sống thử", nhất là con gái.

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học: Nên "sống thử" như "sống thật"

"Sống thử" hiện là một xu hướng trong giới trẻ, mà cụ thể là học sinh, sinh viên, công nhân lao động nhưng phổ biến nhất là sinh viên. Lý do? Để tiết kiệm chi phí, "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" (do sống cùng nhà trọ, khu trọ), mốt, học đòi, trống vắng, "cùng tiến"...

 

Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình.

Ở một góc độ nào đấy có thể coi "sống thử" là một chiêu bài để thử nghiệm. Nếu coi "sống thử" như "sống thật" thì đây là cơ hội để trải nghiệm, để tích luỹ cho việc xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững sau này.

"Sống thử" không có trong truyền thống người Việt Nam. Nó là một xu hướng đã xảy ra ở châu Âu vào thời kỳ giải phóng tình dục. Sau thời gian thoái trào, người châu Âu đã quay lại với cuộc sống hôn nhân bền vững. Bao giờ trào lưu "sống thử" trong giới trẻ Việt Nam mới chấm dứt? Có thể đấy sẽ phải là một hoặc vài thập niên, tuỳ theo sự phát triển và nhận thức của xã hội.

Vậy trào lưu "sống thử" trong giới sinh viên đang diễn ra như thế nào, thái độ của xã hội đối với việc này ra sao? Dưới góc nhìn xã hội học, tôi không phê phán và cũng không cổ suý trào lưu này. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì phải nhìn nhận một cách đúng đắn rằng, đằng sau "sống thử" là tình dục và kinh tế. Từ đó, sẽ kéo theo vấn đề sức khoẻ sinh sản.

Về điều này, trang bị cho giới trẻ kiến thức phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục là vô cùng cần thiết. Mỗi người trẻ tuổi phải tự tìm kiếm để trang bị cho mình kiến thức này. Ngoài ra, các tổ chức như thanh niên, y tế cũng nên có những chương trình phổ biến kiến thức trong lĩnh vực này cho thanh niên.

Ông Lê Văn Liêm, Trưởng ban quản lý KTX Mễ Trì (Trường Đại học Quốc gia): Ở KTX, sinh viên không có cơ hội để "sống thử"

Với tư cách là một phụ huynh, tôi khuyên mỗi sinh viên hãy xác định cho mình mục đích học tập, đừng để mất thời gian khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Còn với tư cách là người quản lý một KTX có 1.800 sinh viên, tôi thấy rằng, sinh viên ở KTX Mễ Trì rất ngoan.

Trước đây, ở KTX Mễ Trì quy định, chỉ các ngày thứ 4, thứ 7, chủ nhật, các bạn nữ mới được phép tiếp khách nam trong phòng ở. Hiện nay, chúng tôi đã cải tiến tại khu nhà B1, xếp phòng nam và phòng nữ xen kẽ nhau song các em vẫn tuân thủ nội quy rất tốt. Điều này cho thấy, trong công tác quản lý không nên cứng nhắc, áp đặt mà quan trọng là để các cháu tự giác.

Hiện nay, KTX Mễ Trì mới chỉ đáp ứng 25 - 30% cho sinh viên của Trường Đại học Quốc gia. Điều kiện sống, học tập của các cháu rất tốt như: 100% phòng ở có điện thoại, Internet; 70% phòng có bình nóng lạnh; 10% có điều hòa nhiệt độ. Tiếc rằng, KTX không đủ chỗ cho tất cả sinh viên.

Uớc tính, có trên 5.000 sinh viên của trường phải thuê trọ ở ngoài, điều kiện và chi phí ăn ở rất lớn. Đây cũng là vấn đề bức xúc của xã hội và là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp đủ điều kiện ở KTX nhưng vì muốn được tự do nên ra ở ngoài. Lại có trường hợp sau thời gian "sống thử" đã xin vào ở KTX... Ở KTX, sinh viên không có cơ hội để "sống thử" và dành được nhiều thời gian hơn cho việc học.

Nguyễn Thị Bé, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế: Con gái thường bị thiệt hơn trong "sống thử"

Khi em nhập học, bạn trai em đã là sinh viên năm thứ hai. Anh ấy thuyết phục em "sống thử". Em đã nhận lời sau khi anh ấy bảo, "sống thử" sẽ có nhiều cái lợi. Ví dụ như tiết kiệm tiền thuê trọ, anh ấy sẽ chăm sóc cho em, sẽ dạy em học... Và quan trọng nhất là chúng em được gần nhau. Thế nhưng, em đã vỡ mộng "sống thử" chỉ sau 3 tháng.

Khi đó, em mới vỡ lẽ ra rằng, tình yêu chỉ đẹp khi người ta giữ một khoảng cách nào đó. Những sinh hoạt đời thường đã bóp chết sự lãng mạn của tình yêu. Những chi ly trong bài toán ăn tiêu cũng làm tình yêu hết thi vị.

Chấm dứt "sống thử" cũng đồng nghĩa với việc em chia tay tình yêu đầu. Người yêu em giờ lại "sống thử" với một bạn gái khác, còn em thì vẫn đau với quyết định dại dột của mình. Em thấy, trong các cuộc "sống thử", con gái thường thiệt thòi hơn

Số lần xem trang: 2568
Điều chỉnh lần cuối:

Tư vấn tâm lý học đường

Mong ước có một gia đình hạnh phúc (04-05-2024)

Không kiểm soát được cảm xúc của bản thân (04-05-2024)

Không muốn mất tình bạn đẹp (04-05-2024)

Áp lực công việc khi mới ra trường (04-05-2024)

Sổ tay chăm sóc sức khỏe tâm thần cho sinh viên (28-02-2024)

THÍCH MỘT MÌNH (17-05-2018)

NGƯỜI YÊU Ở XA (07-12-2017)

Chương trình tư vấn sức khỏe, giáo dục giới tính được sinh viên quan tâm đặc biệt (18-10-2017)

4 kiểu tình yêu điển hình của sinh viên (16-10-2017)

Thay đổi (22-02-2017)

Xem thêm ...

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : một tám sáu không

Xem trả lời của bạn !

logolink