Vợ chồng sinh viên đủ đường thua thiệt
>> Chuyện bi hài của những bà bầu "áo trắng"
Cũng từ đó cuộc sống gia đình của đôi vợ chồng sinh viên này chưa có nổi ngày nào bình yên. Còn đối với các “gia đình hờ” thì cơn bĩ cực càng thêm phần dữ dội.
“Treo giò”... 1 năm!
Quen An chưa đến nửa năm nhưng lúc đi khám bác sĩ, Linh (quê Thái Bình) đã có thai gần 4 tháng. Dù cố tình ngụy trang, nhưng cô không thể có cách nào ngăn không cho cái thai lớn dần trong bụng. Cho tới khi cô giáo chủ nhiệm thấy khả nghi và gặp riêng Linh để tìm hiểu thì mọi chuyện mới vỡ lở.
Sau khi có thông báo của nhà trường về quê, cả hai gia đình mới bất đắc dĩ gặp nhau để đàm phán tìm cách giải quyết. Mặc dù không muốn, nhưng ban giám hiệu đành phải ra án kỉ luật, buộc cả hai phải nghỉ học một năm, ở nhà cưới và sinh con.
Hết hạn kỉ luật, hai vợ chồng lại tay xách nách mang bế con ra trường học tiếp chương trình còn dang dở. Hàng ngày, hai vợ chồng cứ người này đi học thì người kia phải ở nhà chăm con, lo cơm nước giặt giũ, khiến việc vắng mặt của họ trên giảng đường đã trở nên quen thuộc. Nhưng, cũng có lúc cả hai vợ chồng đều buộc phải lên lớp thì từ sáng sớm, Linh đã phải tất bật bế con vào ký túc xá trong trường gửi để giữa giờ còn kịp lao vào… cho bú.
Cuộc sống sinh viên vốn thiếu thốn đủ bề, nay lại thêm đứa con nhỏ, đã biến căn phòng trọ chật hẹp, tổ ấm đơn sơ của đôi vợ chồng sinh viên này trở thành “lò lửa” của các vụ xích mích, cãi vã: Từ con cái cho đến chuyện cơm nước, giặt giũ - chuyện gì cũng khiến đôi vợ chồng này ra lời kịch liệt. Vợ làu bàu: “Anh học chiều thì sáng phải dậy sớm trông con cho tôi còn lên lớp chứ”; “Mấy giờ rồi mà còn nằm chảy thây ra kia”. Đến lượt chồng xa xả: “Ở nhà chỉ biết trông con thôi à, bộ quần áo tôi ngâm từ mấy ngày nay vẫn nằm im trong chậu”. Hết chuyện cuộc sống lại đến những chuyện ghen tuông, trai gái.
Lê Nhung - cô bạn cạnh phòng của họ kể rằng, có hôm nửa đêm mọi người trong xóm đang ngủ say bỗng giật thót mình tỉnh giấc do tiếng cãi lộn của vợ chồng Linh, rồi sau đó là tiếng khóc réo của thằng cu con. Cô vợ lớn tiếng mắng chồng là: “Có vợ con rồi mà đến trường vẫn xí xớn, tán tỉnh các em khóa mới”. Anh chồng cũng không vừa: “Cô tưởng cô tử tế đấy à, nửa đêm rồi vẫn nhắn tin cho thằng người yêu cũ. Cô im mồm đi cho con nó ngủ”.
Có nhiều lần không chịu nổi cảnh cãi cọ ồn ào, bà chủ nhà trọ đã xuống phòng đuổi cả nhà ra đường nhưng sau đó thương tình nên cho ở lại. Không còn cái thời “yêu nhau củ ấu cũng tròn” như ngày trước, bây giờ khi sống với nhau một mái nhà và phải chịu đựng những tật xấu của nhau, họ đã bới móc đủ mọi chuyện...
Bình thường đã thế, những lúc con cái, vợ chồng ốm đau bệnh tật mới là khốn khổ. Đợt dịch tả đang hành hoành, An và mấy anh chàng cùng xóm trọ đi ăn thịt chó khao trúng số đề, chẳng may bị dính khuẩn tả phải nằm viện gần nửa tháng.
Trong thời gian đó Linh đầu tắt mặt tối, một ngày không biết phải đảo mấy chục vòng từ viện về nhà, từ nhà ra viện để vừa chăm chồng vừa trông con. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn khiến Linh tiều tụy, gầy còm, nhếc nhác. Nhìn Linh bây giờ không ai bảo cô đang là sinh viên năm thứ 3, mới 22 tuổi đầu, cái tuổi hừng hực sức xuân và tràn trề nhựa sống.
Nhọc nhằn cơm áo
Vợ chồng Linh - An dù vất vả nhưng so với nhiều cặp khác thì vẫn may mắn chán. Dù sao, họ vẫn đang được gia đình hai bên góp sức cung cấp tiền ăn học và nuôi con. Còn nhiều cặp vợ chồng sinh viên khác, cuộc sống dựa hoàn toàn vào đôi vai của họ. Điển hình như trường hợp của đôi Quỳnh - Sáng, sinh viên một trường báo chí. Ngoài việc lên giảng đường “lấy lệ”, thời gian còn lại họ phải lao vào kiếm từng đồng để sống và nuôi con.
Nhà Sáng ở huyện Tĩnh Gia, một vùng quê nông nghiệp nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Sáng là con trai đầu, sau còn có đứa em nhỏ nữa. Mẹ mất sớm, bố bỏ hai anh em Sáng cho ông bà nội già cả ốm yếu nuôi rồi đi sống với một người đàn bà khác. Một gia đình rau cháo nuôi nhau nhưng Sáng rất có chí học hành.
Ngày Sáng đỗ đại học, ông nội phải chạy vạy mãi mới có được hơn 1 triệu đồng cho cháu nhập học, còn tiền sinh hoạt hàng tháng, Sáng phải vất vả làm thêm mới đủ chi tiêu. Trong quá trình đi học, Sáng quen Quỳnh, nhà ở TP Yên Bái (Yên Bái) và cũng không khá giả gì hơn. Bố mẹ đều làm ruộng lại nuôi tới 5 anh chị em ăn học nên khó khăn càng thêm chồng chất.
Sáng và Quỳnh cùng học một khóa, cùng đi làm thêm một chỗ, nên dần dần sự đồng cảm, sẻ chia trong những lúc khốn khó đã gắn họ thành một đôi. Không kiềm chế được mình, họ đã vượt qua giới hạn và kết cục là Quỳnh có thai. Điều duy nhất khác với các cặp vợ chồng sinh viên ở đây là họ thoải mái hơn về tinh thần. Không do ép buộc của gia đình, không vì thai nhi quá lớn hay bất kì một nguyên nhân nào thường thấy, bởi yêu nhau thật lòng nên họ quyết định đi tới hôn nhân. Chỉ có điều, ngay từ lúc đó họ đã hiểu được phía trước họ là thăm thẳm khó khăn, gập ghềnh chông gai…
Sau một lễ cưới nhỏ được tổ chức ở quê, họ cùng nhau ra học tiếp. Vì bà chủ nơi họ đang làm thêm không đồng ý thuê người mang bầu nên Quỳnh phải nghỉ làm. Để có thêm chút tiền chi tiêu, họ vay bạn bè chút vốn mở một quán nước ở gần nhà. Bạn bè cùng lớp, cùng khoa thấy thương nên hễ có vụ liên hoan, chè chén gì lại rủ nhau tụ tập tổ chức tại quán nước nhà Quỳnh, cho vợ chồng có thêm thu nhập. Ngày thì lên lớp, buổi tối họ lại lục đục dọn xe hàng ra đầu ngõ bán nước. Ngày theo ngày trôi qua, số tiền thu từ quán nước không nhiều nhưng cũng đủ để hai vợ chồng rau cháo nuôi con.
Quỳnh và Sáng tâm sự rằng, nỗi khốn khổ thực sự đến vào… đầu các kỳ học. Lúc đó, họ phải đóng rất nhiều khoản, từ học phí, học thêm, xây dựng đến quỹ lớp… Khoản nào cũng phải “nhân hai” nên họ lại tất bật chạy vạy vay bạn bè mới đủ. Mà có phải bạn bè lúc nào cũng sẵn để cho vay.
Lúc đó, họ đành mang đồ đạc “gia đình” ra hiệu cầm đồ cho “ở tạm”. Ngay cả thứ tài sản có giá trị nhất của đôi vợ chồng là chiếc xe đạp cà tàng, dùng để hàng ngày chạy chợ, mua hàng, cùng cái nồi cơm điện cũ rích duy nhất để nấu cháo cho con cũng đã dăm lần bảy lượt… đi “nghỉ” ở hiệu.
Nhiều mùa hè nắng nóng 38-40 độ, đêm đêm hai vợ chồng lại phải thay phiên nhau quạt cho cậu cu con ngủ vì cái quạt điện độc nhất đã được “cắm” để lấy tiền mua thuốc khi con ốm. Sáng kể với tôi chuyện này rồi chậc lưỡi: “Lần đó, em lấy muộn ba ngày, chủ tiệm mang ra thanh lý đồ cũ mất. Tiếc thật”!
Quặn lòng thua thiệt
Nỗi khổ cơm áo gạo tiền chưa phải là tất cả. Với họ nhiều khi sự so đo hơn thiệt, sự dằn vặt kém cỏi, sự chạnh lòng tự ti... mới là đáng bàn. Sáng thổ lộ nghe đến thương cảm: "Sống giữa thành phố phồn hoa đô hội, nhiều lúc ngồi bên vỉa hè bán nước vào những ngày lễ tết, nhìn ra đường thấy người ta đưa con, đón vợ đi chơi, đi mua sắm, giải trí đây đó, nghĩ đến vợ con mình mà chạnh lòng anh ạ! Mình là thằng đàn ông sống thế nào cũng được, chứ mẹ con nó thì thiệt thòi quá. Lúc bế con ra đường cho nó ăn, thấy con người ta ăn uống sung sướng, đồ chơi tràn trề mà thấy tủi phận cho con mình”.
Chàng thanh niên già trước tuổi này nói chưa dứt câu đã vội cúi xuống kéo vạt áo lau đôi mắt đỏ hoe. Ngày trước, bất hạnh, khổ đau nhiều nhưng chẳng mấy khi cậu rơi nước mắt như thế.
Bây giờ, vợ con đề huề, mái ấm hạnh phúc trong tay nhưng con người đầy nghị lực như cậu lại thấy mủi lòng. Dù sao, được như họ cũng đã là một niềm mong mỏi của vô số cặp vợ chồng sinh viên khác.
Theo Gia Đình & Xã Hội
Số lần xem trang: 2446
Điều chỉnh lần cuối: