Lứa tuổi sinh viên có những nét tâm lý điển hình, đây là thế mạnh của họ so với các lứa tuổi khác như: tự ý thức cao, có tình cảm nghề nghiệp, có năng lực và tình cảm trí tuệ phát triển (khao khát đi tìm cái mới, thích tìm tòi, khám phá), có nhu cầu, khát vọng thành đạt, nhiều mơ ước và thích trải nghiệm, dám đối mặt với thử thách.
|
||||
Mỗi một lứa tuổi khác nhau đều có những đặc điểm tâm lý nổi bật, chịu sự chi phối của hoạt động chủ đạo. Ở đây, chúng tôi quan tâm đến sinh viên, những người có hoạt động chủ đạo là học tập để tiếp thu kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học. Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất ở lứa tuổi thanh niên - sinh viên là sự phát triển tự ý thức. Nhờ có tự ý thức phát triển, sinh viên có những hiểu biết, thái độ, có khả năng đánh giá bản thân để chủ động điều chỉnh sự phát triển bản thân theo hướng phù hợp với xu thế xã hội. Chẳng hạn sinh viên đang học ở các trường cao đẳng, đại học sư phạm, họ nhận thức rõ ràng về những năng lực, phẩm chất của mình, mức độ phù hợp của những đặc điểm đó với yêu cầu của nghề nghiệp, qua đó họ sẽ xác định rõ ràng mục tiêu học tập, rèn luyện và thể hiện bằng hành động học tập hàng ngày trong giờ lên lớp, thực tập nghề hay nghiên cứu khoa học. Nhờ khả năng tự đánh giá phát triển mà sinh viên có thể nhìn nhận, xem xét năng lực học tập của mình, kết quả học tập cao hay thấp phụ thuộc vào ý thức, thái độ, vào phương pháp học tập của họ.
Ở SV đã bước đầu hình thành thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá vấn đề cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày. Sinh viên là những trí thức tương lai, ở các em sớm nảy sinh nhu cầu, khát vọng thành đạt. Học tập ở đại học là cơ hội tốt để SV được trải nghiệm bản thân, vì thế, sinh viên rất thích khám phá, tìm tòi cái mới, đồng thời, họ thích bộc lộ những thế mạnh của bản thân, thích học hỏi, trau dồi, trang bị vốn sống, hiểu biết cho mình, dám đối mặt với thử thách để khẳng định mình. Một đặc điểm tâm lý nổi bật nữa ở lứa tuổi này là tình cảm ổn định của sinh viên, trong đó phải đề cập đến tình cảm nghề nghiệp - một động lực giúp họ học tập một cách chăm chỉ, sáng tạo, khi họ thực sự yêu thích và đam mê với nghề lựa chọn. Sinh viên là lứa tuổi đạt đến độ phát triển sung mãn của đời người. Họ là lớp người giàu nghị lực, giàu ước mơ và hoài bão. Tuy nhiên, do quy luật phát triển không đồng đều về mặt tâm lý, do những điều kiện, hoàn cảnh sống và cách thức giáo dục khác nhau, không phải bất cứ sinh viên nào cũng được phát triển tối ưu, độ chín muồi trong suy nghĩ và hành động còn hạn chế. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực hoạt động của bản thân mỗi sinh viên. Bên cạnh đó, sự quan tâm đúng mực của gia đình, phương pháp giáo dục phù hợp từ nhà trường sẽ góp phần phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế về mặt tâm lý của SV. Bên cạnh những mặt tích cực trên đây, mặc dù là những người có trình độ nhất định, sinh viên không tránh khỏi những hạn chế chung của lứa tuổi thanh niên. Đó là sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ, hành động, đặc biệt, trong việc tiếp thu, học hỏi những cái mới. Ngày nay, trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, nền văn hoá của chúng ta có nhiều điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hoá trên thế giới, kể cả văn hoá phương Đông và phương Tây. Việc học tập, tiếp thu những tinh hoa, văn hoá của các nền văn hoá khác là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc điểm nhạy cảm, ham thích những điều mới lạ kết hợp với sự bồng bột, thiếu kinh nghiệm của thanh niên, do đó, sinh viên dễ dàng tiếp nhận cả những nét văn hoá không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và không có lợi cho bản thân họ. Lứa tuổi sinh viên có những nét tâm lý điển hình, đây là thế mạnh của họ so với các lứa tuổi khác như: tự ý thức cao, có tình cảm nghề nghiệp, có năng lực và tình cảm trí tuệ phát triển (khao khát đi tìm cái mới, thích tìm tòi, khám phá), có nhu cầu, khát vọng thành đạt, nhiều mơ ước và thích trải nghiệm, dám đối mặt với thử thách. Song, do hạn chế của kinh nghiệm sống, sinh viên cũng có hạn chế trong việc chọn lọc, tiếp thu cái mới. Những yếu tố tâm lý này có tác động chi phối hoạt động học tập, rèn luyện và phấn đấu của sinh viên. Tô Thúy Hạnh_VTL |
||||
|
Số lần xem trang: 11376
Điều chỉnh lần cuối: