/data/file/BN/BN.png

Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường QG NLM Blao (1955-1958 và 1967-1968). Trong thời gian đầu, trường đào tạo hệ trung cấp, và sau đó đào tạo kỹ sư ngành Nông học, Lâm nghiệp và Súc khoa (từ năm 1959). Thầy đã cùng với BS Đặng Quan Điện chuẩn bị việc xây dựng cơ sở vật chất ở Bảo Lộc để chiêu sinh khóa kỹ sư đầu tiên. 

 

Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao

 (1955-1958 và 1967-1968)

Giáo sư, Bác sĩ Vũ Ngọc Tân sinh 17 tháng 4 năm 1918, tại Hà Nội, quê quán làng Lục Thuỷ, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, là con thứ chín trong một gia đình viên chức ngành tư pháp. Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của trường QG Nông Lâm Mục B’lao (nay là trường ĐH Nông Lâm TP HCM).

Thời niên thiếu, Thầy học tiểu học tại trường Sư huynh (dòng Lasan) hay “Ecole des Frères” (1924-1928), Hà Nội; trung học tại trường Albert Sarraut1 (1928-1938), Hà Nội. Năm 1929, Thầy là hướng đạo sinh Việt  Nam đầu tiên 2. Tháng 6/1938, Thầy tốt nghiệp Tú tài Pháp (triết học).

Thầy tốt nghiệp xuất sắc BSTY năm 1942 tại trường QG thú y Alfort (Pháp) với tên luận án “la vitamine B1 dans la pathologie et la thérapeutique vétérinaire”. Thầy là phụ giáo tại đại học này từ 1942-1948, đồng thời nghiên cứu sau đại học chuyên ngành Thú y nhiệt đới (1943) tại ĐH Alfort và chuyên ngành Vi trùng và huyết thanh tại trường Y khoa Paris (Pháp, 1945). Trong giai đoạn này Thầy cũng là giảng viên cho trại của trường QG nuôi trừu tại Rambouillet và cố vấn ở trại thí nghiệm của công ty chế biến thức ăn gia súc (bao gồm cả hoạt động canh nông) Les Pleux. Đây là thời gian Thầy “hướng sự học hỏi về quản lý nông trại, nghĩa là thay vì biết sâu thì nay tìm hiểu để biết rộng, như vậy có thể thích hợp với hoàn cảnh kinh tế và sản xuất tại nước nhà hơn”. Thầy là bạn đồng môn với BS Trần Văn Du tại Pháp.

Năm 1948, Thầy về nước và đảm nhiệm Giám đốc Viện vi trùng Bắc Việt (1948-1949), Đổng lý văn phòng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ (1949-1950). Vào Nam, 1950-1952, nhận bàn giao từ Pháp và xử lý công việc tại Nha Tổng Thanh tra Canh nông và Chăn nuôi, Giám đốc Nha QG Chăn nuôi (1952-1955). Thầy là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường QG NLM Blao (1955-1958 và 1967-1968). Trong thời gian đầu, trường đào tạo hệ trung cấp, và sau đó đào tạo kỹ sư ngành Nông học, Lâm nghiệp và Súc khoa (từ năm 1959). Thầy đã cùng với BS Đặng Quan Điện chuẩn bị việc xây dựng cơ sở vật chất ở Bảo Lộc để chiêu sinh khóa kỹ sư đầu tiên. Khi trường dời về Sài Gòn, Thầy tham gia ban giảng huấn của trường đồng thời đảm nhiệm chức vụ Đổng lý Văn phòng Bộ Canh Nông Sài Gòn (1973-1974). Thầy còn là Giám đốc Sở thú 1962-1973 (Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày nay) và phụ trách một phòng mạch thú cưng trong khuôn viên của Sở thú. Điều này cho thấy Thầy luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho xã hội và phục vụ đời sống.  

Giai đoạn 1975-1981, Thầy là giáo sư trường Đại học Nông nghiệp Sài gòn thuộc Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức (theo “Sự Vụ Lệnh do Viện trưởng Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức, Đỗ Bá Khê ký ngày 24/1/1975).  Sau 20 năm thành lập, Thầy chính thức trở lại vị trí giáo sư cơ hữu ngành TYCN của ngôi trường mà Thầy là người sáng lập, vị hiệu trưởng đầu tiên!

Về sự nghiệp xây dựng Trường, với trọng trách xây dựng đề án thành lập trường QG NLS Blao, Thầy vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc, đã dành cả tuổi xuân của mình để hình thành ngôi trường tầm cỡ (với 600ha) giữa chốn “rừng thiêng nước độc” với hoài bão to lớn là đào tạo các chuyên viên tài năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở một quốc gia giàu tiềm năng về nông nghiệp. Năm 1960, Thầy có dịp giới thiệu rộng rãi và chi tiết về đề án phát triển Trường tại ĐH Văn Khoa Saigon, cho đông đảo sinh viên và những người quan tâm, trước sự hiện diện của Bộ trưởng Canh nông lúc bấy giờ.            Thầy đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế. Tháng 4 năm 1952, Thầy dự đại hội súc dịch cục quốc tế (OIE) tại Paris, tham gia trong các khảo cứu và hội thảo về dịch tễ khu vực Á châu, hội nghị quốc tế do tổ chức Lương Nông (FAO) tại Bangkok (1967), tại Roma, Italia (1969, 1974). Thầy tham dự nhiều đại hội quốc tế về giáo dục thú y tại Los Banos, Philippines (1954,1957), tại London (1960)…

 Từ 1962-1973, Thầy chuyển công tác vào Sài Gòn, đảm nhiệm GĐ Thảo Cầm Viên. Thầy góp công lớn trong chỉnh đốn và mở mang Thảo cầm viên, nhất là trên cơ sở khoa học và kỹ thuật như lập vườn cảnh sưu tầm bông súng trong ngoài nước; các loại cây tùng, cây xương rồng trong ngoài nước; nuôi và cho sinh sản cá chép vàng to; làm cho dã thú họ mèo như beo, sư tử, cọp sinh sản và nuôi được con; khỉ chó mặt xanh sinh con và nuôi con bằng sữa bò; định loại thêm hai loài khỉ Mecacus (M. leonis và M. rufus) sống tại miền Nam. Sưu tầm và khảo sát chó Phú quốc, Sấu; thử khai thác “nhung” nai; Thiết lập khu giải trí cho trẻ em.

Thầy tham gia giảng dạy 2 môn học và đã ấn bản giáo trình roneo bậc đại học TYCN: Thú y bệnh học nhập môn (1969) và Thú y học nội thương và phòng ngừa (1971) tại Trường; bậc trung  cấp, (trung đẳng, kiểm sự) tại Blao: “Động vật học- Ký sinh học, Sinh lý học- Liệu pháp học”, in roneo, 1957-1958. Và bài giảng “bệnh cừu” (Cours de “Pathologie du Mouton”) cho trường nuôi trừu tại Rambouillet (1944).

Thầy đã công bố các bài báo khoa học như (1) Setaria (A) Andersoni n. sp., filaire des cervides Muntiacus muntjak du Sud Viet-Nam. Bull Soc Pathol Exot Filiales, 1972; 65(4):580-585; (2) Concerning the pesence of cestodes, Echinococcus granulosus (Batsch, 1786), in a wild dog, Cyon primaerus (Hodgs) in South Vietnam. Bull Soc Pathol Exot Filiales. 1967, 60(1):64-71; (3) . The raising of deer. Resource for developing countries in South East Asia. International Union for Conservation of Nature and natural resources (IUN). Vol 10: 132-134 Thailan; (4)  Quelques considerations sur la diagnostic de gestation par la methode de Culoni . Rec. MRd. Vet. Alfort, 1945. 121: 238-245; và một số bài phổ biến khoa học kỹ thuật đăng tải các đặc san chuyên ngành trong nước.

Từ đầu năm 1975 trở đi, sức khoẻ Thầy giảm sút rất nhiều vì bị bệnh đau tim nặng. Thầy mất vì bệnh ở nhà riêng tại Sài Gòn ngày 23/04/1981 (tro cốt Thầy được an vị tại nhà thờ Phanxicô (lô A-04-19), Đakao, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1 TP HCM), trong niềm tiếc thương vô hạn của các thế hệ học trò !

Những kinh nghiệm thực tiễn của Thầy đã đóng góp vào hành trang nghề nghiệp của bao thế hệ sinh viên TYCN trong những năm trước và sau ngày thống nhất đất nước. Và những kinh nghiệm thực tiễn của Thầy trong chăm sóc dã thú cũng như chăm sóc, điều trị, thẩm mỹ thú cưng đã được nhiều người biết đến.

Thầy là một bậc đại danh sư khai sáng trường, đã để lại cho các môn đệ một di sản vô giá, một ngôi trường thân thương, một tầm nhìn chiến lược, một tình thương yêu vô bờ bến! Một “Thành hoàng” 3 của trường!

  (Nguồn tin: kỷ yếu 60 năm thành lập Khoa Chăn nuoi Thú y trường ĐH Nông Lâm TPHCM,           ảnh: http://www.advite.com/NLMB/AmHuong/165/165thay-dtn.htm)    

 (1) Trường Albert Sarraut, là nơi học trung học của nhiều lãnh đạo nước ta như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, … nhiều nhà  trí thức lớn như Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Khái Hưng, Nhất Linh…

 (2) Theo Trưởng Trần Văn Khắc- người sáng lập hướng đạo VN 9/1930, “Hồi ký lịch sử hướng đạo VN”, theo bản dịch của Trần Minh Hữu "các tiền nhân của hướng đạo sinh đông dương””Premiers pas sur la Piste- Federation Indochinoise de scoutisme, J.H. Cardona, “Ai là người Việt Nam đầu tiên tham gia hướng đạo “Who would be the first Vietnamese participating in Scouting” và “Biên niên sử Hướng đạo Việt Nam – Phan Nguyen,… “Tất cả tài liệu đều ghi nhận anh Vũ Ngọc Tân là người Việt đầu tiên tham gia hướng đạo ở Trường Albert Sarraut Hà Nội”. Năm 1931, Thầy chuyển qua sinh hoạt Tráng đoàn Lam Sơn, trụ cột của hướng đạo miền Bắc, gồm những gương mặt nổi tiếng như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sau này là Anh hùng lao động), nhà văn Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, GS Nguyễn Lân, GS TS toán học Tạ Quang Bửu (sau này là Bộ trưởng Bộ GD), BS Tôn Thất Tùng (Anh hùng lao động), BS Phạm Ngọc Thạch…Ở miền Nam, vào những năm đầu của thập niên 1970, Thầy là thành viên Ban bảo trợ và cố vấn Hội hướng đạo VN. Thầy có tên trong danh sách huynh trưởng hướng đạo VN thời khởi thuỷ.

(3) Thầy Lưu Trọng Hiếu có một đề nghị trong bài viết “Trường tôi…”, Kỷ yếu 55 năm Trưởng thành và Phát triển- với ý nghĩa của một phúc thần, người có công lao sáng nghiệp với trường.

Số lần xem trang: 2256
Điều chỉnh lần cuối: 24-03-2016

Tư liệu về thầy cô- cựu sinh viên

Có một người thầy như thế! (15-06-2016)

Chàng trai từng sống thực vật không nguôi giấc mơ học hành (20-05-2016)

Thầy Nguyễn Văn Hanh (07-04-2016)

THẦY ĐẶNG QUAN ĐIỆN- NHÀ GIÁO DỤC NÔNG NGHIỆP MIỀN NAM (24-03-2016)

Trang liên kết

 

 

 

 

 

 

 

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : bốn bốn bốn bảy ba

Xem trả lời của bạn !